Đặt Lịch Hẹn
0908 143 948
LIỆT ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY Ở TRẺ SƠ SINH
Liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ em do tai biến sản khoa (obstetrical brachial plexus palsy) là tai biến sản khoa thường gặp sau gãy xương đòn. Tất cả các trường hợp liệt đám rối thần kinh cánh tay sau sinh đều cần được chẩn đoán và đánh giá đầy đủ nhằm đưa ra hướng điều trị chính xác, giúp phục hồi tốt nhất cử động khớp vai khuỷu và cẳng tay cho trẻ.
I. Tổng quan
Liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh được mô tả lần đầu tiên vào năm 1768 và là tổn thương trong thời kỳ sinh sản gặp nhiều thứ 2, sau gãy xương đòn. Tỉ lệ 0,5-2,6/1000 trẻ được sinh ra.
1. Nguyên nhân gây liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh?
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay được cho là do kéo giãn quá mức đầu thai nhi trong quá trình đỡ sinh do kẹt vai lúc sinh đường âm đạo.
Tuy nhiên, một số trường hợp tổn thương đám rối có thể do kết quả của các thích nghi không tốt trong tử cung hoặc liệt đám rối do khối u.
2. Các yếu tố nguy cơ
Có thể chia yếu tố nguy cơ liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ thành các nhóm:
- Trẻ sơ sinh: cân nặng trước sinh lớn (>4kg) & tư thế thai nhi
- Sản phụ: sinh con lần đầu, mắc các bệnh lí tiểu đường, béo phì hoặc tăng cân quá mức…
- Và các yếu tố liên quan đến chuyển dạ khó

II. LÂM SÀNG
Hầu hết các trường hợp liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh đều được phát hiện trong tháng đầu tiên sau sinh với các triệu chứng giảm hoặc mất chức năng vận động từ cánh tay đến bàn tay. Hầu hết Các trường hợp nhẹ đều có thể tự phục hồi từ 3 tháng tuổi và phục hồi hoàn toàn sau 1 năm. Các trường hợp nặng thì cần can thiệp phẫu thuật sớm, trong giai đoạn từ 3 tháng đến 9 tháng tuổi.
Tuy nhiên, tất cả các trường hợp liệt đám rối thần kinh cánh tay sau sinh đều cần được chẩn đoán và đánh giá đầy đủ nhằm đưa ra hướng điều trị chính xác, đề phòng những di chứng ảnh hưởng đến vai, khuỷu và cẳng tay trong tương lai.

1. Phân loại liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh
Trên thế giới có nhiều bảng phân loại liệt đám rối thần kinh cánh tay được sử dụng, trong đó thường dùng nhất là bảng phân loại Narakas:
Phân loại Narakas | Rễ thần kinh bị tổn thương | Chức năng tương ứng |
---|---|---|
Nhóm 1 | C5,C6 | Mất dạng vai, xoay ngoài, gấp khuỷu, ngửa cẳng tay |
Nhóm 2 | C5,C6,C7 | Như trên, kèm theo thiếu duỗi cổ tay |
Nhóm 3 | C5,C6,C7,C8,N1 | Liệt hoàn toàn |
Nhóm 4 | C5,C6,C7,C8,N1 | Liệt hoàn toàn kèm theo hội chứng Horner. |
Liệt đám rối thần kinh cánh tay một phần phổ biến nhất:
- Tổn thương rễ thần kinh C5-C6 đơn thuần (Erb’s palsy) chiếm 1/2 trường hợp, tổn thương C5-C7 chiếm 1/3 trường hợp.
- Triệu chứng lâm sàng gồm mất dạng vai, trẻ không thể dạng vai ra ngoài, không gấp được khuỷu tay, không ngửa được cẳng tay, không duỗi được cổ tay (tổn thương C7) (Ảnh). Cử động bàn tay và ngón tay bình thường.
Diến tiến phục hồi trên lâm sàng từ lúc sanh cho đến 3 tháng tuổi, chủ yếu tập vật lý trị liệu, theo dõi diễn tiến phục hồi của vai, khuỷu và bàn tay, trong đó dấu quan trọng nhất là phục hồi của cơ nhị đầu (trong tổn thương C5,C6) và duỗi cổ tay trong tổn thương C7.
Từ 3 tháng đến 6 tháng phục hồi cơ nhị đầu tốt thì không phẫu thuật ghép thần kinh. Nếu không có dấu hiệu phục hồi của cơ nhị đầu thì có thể xem xét chỉ định thám sát và ghép thần kinh sớm. Các dấu hiệu này cần được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm.
Trong trường hợp phục hồi cơ nhị đầu không hoàn toàn, Có thể chờ đến tháng 9 đến tháng thứ 12 để phẫu thuật chuyển ghép thần kinh.
CA LÂM SÀNG
LIỆT ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY

CA LÂM SÀNG: BỆNH NHI 5 THÁNG TUỔI - LIỆT ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY KÈM DẤU HORNER
- Bệnh nhi K.N.H 5 tháng tuổi
- Liệt hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay (Phải). Bàn tay không cử động được, khuỷu không gấp, kèm dấu horner.

CA LÂM SÀNG: BỆNH NHI 5 THÁNG TUỔI - LIỆT HOÀN TOÀN ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY (PHẢI)
- Bệnh nhi N.Đ.L 5 tháng tuổi
- Liệt hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay (Phải).

CA LÂM SÀNG: BỆNH NHI 4 THÁNG TUỔI - LIỆT ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY
- Bệnh nhi T.D.K 4 tháng tuổi
- Liệt đám rối thần kinh cánh tay (Phải). Thăm khám cho thấy bé bị tổn thương đám rối thần kinh C5,6,7.
2. Ảnh hưởng của tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ?
Liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh gây những ảnh hưởng xấu đến chức năng vận động tay và tâm lý của trẻ.
Tuy các trường hợp tổn thương đám rối nhẹ có thể tự phục hồi, nhưng rất nhiều trường hợp không được chẩn đoán chính xác và theo dõi thường xuyên, dẫn đến không thể tự phục hồi đã để lại nhiều di chứng nghiêm trọng như cứng khớp, teo chi, trật khớp, khuỷu tay hoặc lệch đốt sống, trẻ sơ sinh bị mất chức năng đáng kể trong việc sử dụng tay liệt và khiếm khuyết trong các hoạt động dùng tay.
Chính vì vậy, việc thăm khám chuyên khoa sớm và điều trị kịp thời là quan trọng nhất đối với tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh.

BỆNH NHI 5 THÁNG TUỔI – LIỆT HOÀN TOÀN ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY (PHẢI)

BỆNH NHI 5 THÁNG TUỔI – LIỆT ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY KÈM DẤU HORNER
III. ĐIỀU TRỊ LIỆT ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY Ở TRẺ
Tùy vào tình trạng liệt đám rối thần kinh của trẻ & sự tự phục hồi của cơ thể (trong 3 tháng đầu đời) mà bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp. Thông thường, trẻ sẽ được tập vật lý trị liệu trong giai đoạn đầu và theo dõi phản hồi của cơ thể. Nếu trẻ không tự phục hồi hoặc phục hồi không hoàn toàn, cần can thiệp phẫu thuật.
1. Điều trị vật lý trị liệu
Đối với tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh, tập vật lý trị liệu sớm giúp phòng ngừa các biến chứng như co cứng cơ và mất chức năng khớp. Tập vật lý trị liệu bao gồm:
- Tập vận động thụ động
Bắt đầu từ nửa sau của tuần đầu tiên sau sinh.
Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng trên tất cả các khớp bị ảnh hưởng, bao gồm vai, khuỷu tay, cổ tay, và ngón tay.
Mục tiêu là duy trì tầm vận động và ngăn ngừa sự co cứng cơ hoặc cứng khớp từ lúc sinh đến thời điểm phẫu thuật (các thời điểm 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng)
- Sử dụng nẹp hỗ trợ
Áp dụng khi cần thiết để duy trì vị trí khớp bình thường.
Phòng ngừa biến chứng như co gấp ngón tay hoặc co cứng khuỷu tay.
Giữ tư thế khớp ở trạng thái tối ưu nhằm hỗ trợ sự hồi phục tự nhiên.
- Tăng cường lực cơ và chức năng đối với trường hợp sau phẫu thuật ghép thần kinh
Khuyến khích các hoạt động vận động phù hợp với mức độ tổn thương.
Sử dụng các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và phục hồi chức năng bình thường.
Điều quan trọng là theo dõi tiến triển của trẻ, phối hợp bác sĩ các chuyên khoa, vật lý trị liệu điều chỉnh kế hoạch điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Việc can thiệp kịp thời và đúng cách có thể cải thiện đáng kể khả năng hồi phục và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Tập vật lý trị liệu đúng hướng dẫn nhằm phòng ngừa trẻ gặp các biến chứng như co cứng cơ và mất chức năng khớp

Theo dõi tiến triển của trẻ, phối hợp bác sĩ các chuyên khoa rất quan trọng trong việc điều trị liệt đám rối thần kinh cánh tay sau sinh
2. Phẫu thuật thám sát ghép thần kinh, chuyển ghép hoặc chuyển gân cơ
Hầu hết những trường hợp liệt đám rối thần kinh cánh tay trẻ sơ sinh đều có thể tự phục hồi sau 3 tháng đầu, phục hồi hoàn toàn sau năm đầu tiên. Tuy nhiên khoảng 1/100 trong số đó không tự phục hồi hoặc phục hồi không hoàn toàn, cần can thiệp phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật gồm có ghép thần kinh bằng thần kinh bắp chân, chuyển ghép thần kinh tại chỗ (thần phụ cho thần trên vai, chuyển ghép cho thần kinh cơ bì…) hoặc chuyển gân cơ bổ sung khi trẻ lớn trong trường hợp phục hồi không hoàn toàn.
Giai đoạn phẫu thuật điều trị liệt đám rối thần kinh cánh tay cho trẻ tốt nhất là từ 4 đến 6 tháng tuổi. Trì hoãn phẫu thuật có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của bé về sau. Ngoài ra, các trường hợp chỉ định phẫu thuật nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại nhiều di chứng không mong muốn cho trẻ.
Mọi trường hợp liệt tay sau sinh đều cần được thăm khám chuyên khoa nhằm đánh giá tình trạng chính xác& chỉ định điều trị phù hợp. Sự phối hợp tối đa từ gia đình bệnh nhi trong điều trị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

IV. THS.BS.CKII ĐẶNG KHẢI MINH – Điều trị liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh
THS.BS.CKII Đặng Khải Minh là BS đầu tiên phẫu thuật liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh do tai biên sản khoa dưới sự hướng dẫn của GS.Alain Gilbert và GS.Raimondi (năm 2010) tại bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại Việt Nam, năm 2010, dưới sự hướng dẫn của GS.Alain Gilbert và GS.Raimondi, BS.Đặng Khải Minh và cộng sự đã tiến hành ca phẫu thuật đầu tiên tại bệnh viện Nhi đồng 1. Đến nay rất nhiều ca đã được phẫu thuật tại bệnh viện Nhi đồng 1
THS.BS.CKII Đặng Khải Minh có hơn 15 năm công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 – chuyên khoa Chấn Thương Chỉnh Hình. Bác sĩ đã tu nghiệp chuyên ngành Chấn Thương Chỉnh Hình Nhi & Bàn tay tại Pháp và tham gia vào nhiều nghiên cứu liên quan đến Tổn thương đám rối thần kinh ở trẻ sơ sinh cho đến nay.
Liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh nên được thăm khám và điều trị sớm, giai đoạn tốt nhất để phẫu thuật là từ 4 đến 6 tháng sau sinh. Bỏ lỡ giai đoạn vàng khiến việc điều trị diễn ra khó khăn hơn và có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của trẻ.
THS.BS.CKII ĐẶNG KHẢI MINH
CHUYÊN KHOA CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH -
VI PHẪU THẦN KINH - CỘT SỐNG
ĐẶT LỊCH KHÁM CHUYÊN KHOA
- Fanpage Facebook (QRCode bên trái) BS ĐẶNG KHẢI MINH - Chuyên khoa Chấn Thương Chỉnh Hình - BV Nhi Đồng 1
- Điện thoại/ Zalo: 090 814 39 48